MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP KHI ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO KHOA KẾ TOÁN-TCNH

14-07-2023 Admin
  1. Khoa KT-TCNH có mấy ngành học?

Hiện nay Khoa KT-TCNH đào tạo 2 ngành và chuyên ngành đó là:

–     Kế toán

–     Tài chính ngân hàng

  1. Học KT-TCNH xong được liên thông những trường nào?

      Có thể liên thông tất cả các trường đại học có đào tạo hệ liên thông. Đặc biệt các em sẽ được liên thông thẳng lên trường đại học Kinh tế Tp.HCM; ĐH Công nghiệp TP.HCM; ĐH tài chính MAKERTING theo phương thức xét tuyển (KHÔNG PHẢI THI)

  1. Học KT-TCNH ra trường có việc làm không ạ?

      Với việc xây dựng chương trình đào tạo hướng tới rèn luyện kiến thức, kĩ năng và thái độ cho sinh viên, nên sinh viên Khoa KT-TCNH rất năng động, tự tin.  Rất nhiều bạn đã tìm được việc làm tốt ngay khi còn là sinh viên cuối năm 2.

                        CÁC CÂU HỎI LIÊN QUAN VỀ NGÀNH KẾ TOÁN

  1. Học ngành Kế toán ra trường chúng em làm gì?

Người học ngành Kế toán có rất nhiều lựa chọn hấp dẫn về việc làm. Tốt nghiệp ra trường, có thể đảm nhận các vị trí như :

–    Chuyên viên phụ trách kế toán, kiểm toán, giao dịch ngân hàng, thuế, kiểm soát viên, thủ quỹ, tư vấn tài chính;

–    Nhân viên môi giới chứng khoán, nhân viên quản lý dự án, nhân viên phòng giao dịch và ngân quỹ;

–    Kế toán trưởng, Trưởng phòng Kế toán, Quản lý tài chính; 

–    Giảng viên, Thanh tra kinh tế…

  1. Cơ hội việc làm của ngành kế toán như thế nào? Em học ngành Kế toán sau này có nhất thiết phải làm kế toán viên trong các doanh nghiệp không ạ?

      Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này vẫn rất cần thiết trong bất cứ cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nào. Vì thế, nhu cầu nhân lực ở ngành này luôn ở mức cao và cơ hội nghề nghiệp luôn ổn định trong xã hội.

      Kế toán là một ngành học đem đến rất nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên sau khi ra trường. Ngoài công việc của một kế toán viên trong doanh nghiệp, em hoàn toàn có thể theo đuổi các mảng như làm kiểm toán viên, tư vấn thuế, tư vấn tài chính, ngân hàng… Chính vì thế, em sẽ có rất nhiều lựa chọn trong sự nghiệp sau này của mình.

  1. Khả năng tiếng anh của em hơi yếu, em có thể theo học ngành Kế toán được không?

      Với chương trình học tại trường Cao đẳng Công thương Tp.HCM. Sau khi nhập học em sẽ được thi anh văn đầu vào để nhà trường xếp lớp phù hợp với khả năng. Sau đó các em sẽ được  học các môn học để trau dồi khả năng tiếng anh của mình theo trình độ từ dễ đến khó. Đặc biệt, các em sẽ được học thêm các môn tiếng anh  chuyên ngành.

      Đảm bảo với xuất phát điểm như thế nào, chỉ cần thêm những nỗ lực của bản thân em và sự hỗ trợ của thầy cô, khả năng ngoại ngữ của em sẽ được cải thiện và đạt đúng yêu cầu chuẩn đầu ra. Em yên tâm nhé!

  1. Trong quá trình học, Nhà trường có những chương trình nào để chúng em vận dụng giữa lý thuyết và thực hành công việc kế toán trong thực tế không ạ?

      Trong quá trình sinh viên học tập tại trường, các em sẽ được tiếp cận dần công tác kế toán tại doanh nghiệp (từ việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kế toán) thông qua các học phần kiến tập 1, kiến tập 2, Thực hành thuế và kế toán thuế, Thực tập tốt nghiệp cuối khóa. Với các học phần này, các em sẽ được tìm hiểu và tiếp cận công tác kế toán tại doanh nghiệp một cách đầy đủ và có hệ thống.

      Ngoài ra, Nhà trường và Khoa KT-TCNH luôn có những hoạt động nhằm giúp các em tìm hiểu, tiếp cận công tác kế toán và định hướng nghề nghiệp như các hội thảo khoa học hàng năm có sự kết hợp của các trung tâm đào tạo kế toán, các doanh nghiệp như: Hội thảo Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, Hội thảo định hướng nghề nghiệp Kế toán, Kiểm toán…

  1. Theo em hình dung thì công việc kế toán là ghi chép sổ sách, liên quan đến tiền vào, tiền ra. Vậy công việc có đơn điệu và nhàm chán không ạ? Có phù hợp với nam giới không?

      Đây là cách hiểu chưa đầy đủ về công việc kế toán. Dù là nam hay nữ thì công việc này đều phù hợp. Thực tiễn chứng minh cho chúng ta thấy, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của nước ta từng là sinh viên chuyên ngành kế toán như: Nguyên bộ trưởng Bộ Tài Chính – Ông Vương Đình Huệ, Ông Nguyễn Sinh Hùng…

  1. Chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Kế toán của trường mình có những điểm khác biệt cơ bản nào so với các trường khác?

–      Khác biệt về Chương trình đào tạo: các học phần thực hành kế toán chiếm tỷ lệ cao hơn, sinh viên được thực hành kế toán trong môi trường chuyên nghiệp, xử lý số liệu kế toán và lập các báo cáo kế toán bằng nhiều công cụ như: phần mềm kế toán, Excel, hệ thống biểu mẫu chứng từ, sổ kế toán.

–      Điều kiện cơ sở vật chất: Để đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tế, Khoa đã xây dựng hệ thống phòng thực hành kế toán ảo D424, với đầy đủ trang thiết bị cần thiết: máy tính, máy in, máy đếm tiền,.. để SV hiểu và vận dụng được kiến thức lý thuyết vào công việc cụ thể đối với từng phần hành kế toán tại DN.

–      Khoa từng bước định hướng đào tạo gắn kết với nhu cầu DN thông qua việc kiến tập 1, kiến tập 2, thực tập tốt nghiệp

  1. Em có nguyện vọng được làm việc trong đơn vị hành chính sự nghiệp, ngành Kế toán do Nhà trường đào tạo có đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng này không?

      Kế toán hành chính sự nghiệp cũng là một học phần được học trong chương trình. Vì vậy, em hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng và làm kế toán trong đơn vị hành chính sự nghiệp.

  1. Làm thế nào để em biết em có phù hợp với nghề Kế toán không ?

      Trước hết, để xem mình có phù hợp với nghề kế toán không thì em thử tự trả lời các câu hỏi sau: (1) Em có thể làm việc với các con số được hay không? (2) Em có đức tính cẩn thận, tỉ mỉ và chăm chỉ hay không? (3) Em có thể chịu được áp lực công việc và là người có tính kỷ luật?

  Tuy nhiên, em mới qua THPT, muốn trở thành người trưởng thành thực sự, thì cần phải rèn luyện và hoàn thiện mình rất nhiều. Mọi đức tính đều có thể rèn luyện được. Nếu em chưa có tính cẩn thận, không sao, em có thể rèn luyện được đức tính đó.

      Mọi thứ không quá căng thẳng đâu em nhé, kế toán không hề khó, chỉ cần em chú tâm là em sẽ làm tốt, chỉ cần em luôn biết yêu công việc, là em có thể phù hợp được với nghề kế toán nhé.

  1. Em muốn theo đuổi một trong các chứng chỉ kế toán quốc tế của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế như ACCA, CAT, CFAB… Thầy/cô cho em hỏi hiện nay ngành Kế toán của trường có chương trình liên kết đào tạo các chứng chỉ này cho sinh viên ngay khi còn trên ghế nhà trường không?

Hiện nay, Khoa Kế toán đã có những chương trình liên kết với các tổ chức đào tạo chứng chỉ kế toán quốc tế đạt chuẩn, mở các khóa học ngắn hạn cũng như tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề giới thiệu và tư vấn về các chứng chỉ như ACCA, CAT, CFAB, CIMA, CIA…

      Trong chương trình đào tạo cũng có các môn liên quan như: MA/FMA.Management Accounting , FA.FFA. Financial Accouting, BT.FBT.Business and Technology

      Khi nhập học nếu em quan tâm và mong muốn theo đuổi các chứng chỉ nghề nghiệp về kế toán, Khoa sẽ có tư vấn và hướng dẫn em đăng ký học.

  1. Nhà trường có các hoạt động ngoại khóa nào giúp sinh viên chuyên ngành Kế toán được giao lưu và trao đổi không?

      Nhà trường tổ chức rất nhiều các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ dành cho sinh viên như CLB kỹ năng sống DSC, câu lạc bộ tiếng anh, CLB dự nguồn, CLB chứng khoán, tình nguyện v.v…

  1. Em lại học không tốt môn toán, vậy trong quá trình học chuyên ngành kế toán có phải sử dụng nhiều toán học không ?

      Làm kế toán chỉ ứng dụng toán học đến mức độ cộng trừ nhân chia thôi chứ không đòi hỏi toán học hàn lâm nên em không giỏi về toán vẫn có thể học tốt và có khả năng trở thành một kế toán giỏi vì bây giờ tính toán đã có phần mềm kế toán em chỉ cần hiểu bản chất của nghiệp vụ (ví dụ mua bán hàng hóa) và nhập vào máy thôi.

  1. Em học tiếng Anh không tốt, cũng chưa tiếp xúc nhiều với các chương trình trên máy tính, liệu em có phù hợp với ngành Kế toán và có thể học tốt để làm Kế toán được không ?

      Trong quá trình học tập tại trường, em sẽ được bổ sung, nâng cao các kiến thức về ngoại ngữ, tin học mà em còn thiếu. Hơn nữa, chuyên ngành Kế toán cũng có những học phần về hướng dẫn sử dụng từ các nội dung cơ bản đến nâng cao liên quan đến máy tính mà một kế toán viên cần nắm được trước khi làm việc như: Tin học ứng dụng kế toán, Kế toán máy,… Ngoài ra, em có thể tự học hoặc học thêm ngoài những giờ học trên lớp.

      Nếu như em có mục tiêu, kết hợp với thái độ học tập và yêu thích Kế toán thì mọi khó khăn sẽ trở nên đơn giản.

 

                CÁC CÂU HỎI LIÊN QUAN ĐẾN NGHÀNH TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG

  1. Học ngành Tài chính ngân hàng ra trường chúng em làm gì?

SV có thể lựa chọn các công việc phù hợp tại các lĩnh vực như

  • Ngân hàng (kế toán ngân hàng, chuyên viên tín dụng, thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, thẩm định tín dụng, quản trị rủi ro…)
  • Các tổ chức về Tài chính (công ty bảo hiểm, công ty tài chính, công ty chứng khoán, quỹ tín dụng…,
  • Vị trí chuyên viên tài chính, kế toán tại các Doanh nghiệp, cán bộ thuế, tài chính trong các cơ quan Nhà nước (Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước…)
  • Giảng viên chuyên ngành Tài chính và ngân hàng
  1. Học ngành Tài chính ngân hàng ra trường làm ở đơn vị nào?
  • Công ty kiểm toán, quỹ đầu tư, công ty kinh doanh bất động sản, công ty chứng khoán,…
  • Cục thuế, hải quan, công ty tài chính, quỹ tín dụng hoặc làm nhân viên kinh doanh của các công ty, công ty bảo hiểm,…
  • Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, công ty chứng khoán, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính ngân hàng,…
  • Làm việc tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành tài chính, ngân hàng.
  1. Học ngành Tài chính – Ngân hàng sẽ có những kiến thức vã kỹ năng gì?

      Đối với ngành này, học sinh sẽ được học các môn học như: Kinh tế vi mô, Nguyên lý kế toán, Tài chính quốc tế, Tài chính doanh nghiệp, Nguyên lý thống kê, Thị trường tài chính, Thẩm định tín dụng, Thanh toán quốc tế,…

      Bên cạnh những kiến thức chuyên môn về tài chính, ngân hàng thì SV còn được trang bị những kỹ năng cần thiết, kỹ năng mềm đề đáp ứng và giải quyết công việc một cách thuận lợi, đó là: kỹ năng phân tích, giao tiếp với khách hàng, quản lý thời gian, tư duy phản biện, làm việc theo nhóm, thuyết phục khách hàng, giới thiệu sản phẩm,…

  1. Phạm vi đào tạo về kiến thức Tài chính – Ngân hàng sẽ giúp ích gì cho sinh viên khi ra trường?

      Với khối kiến thức tổng quát và nghiêng về ứng dụng thực tiễn, sinh viên sẽ được hiểu bao quát các kiến thức về tài chính doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, thị trường tài chính… ứng dụng phân tích các dự án đầu tư, thẩm định dự án, hoạch định tài chính, đầu tư tài chính, quản trị rủi ro tài chính, đầu tư chứng khoán, tín dụng ngân hàng, thanh toán quốc tế… Với mảng kiến thức đó, sinh viên có thể làm việc ở bất kỳ tổ chức hay doanh nghiệp nào trong nền kinh tế.

  1. Để học ngành Tài chính – Ngân hàng thì đòi hỏi sinh viên phải có các yếu tố gì?

      Sinh viên phải có 3 yếu tố là đam mê, sáng tạo và năng động. Trước hết, nếu không có đam mê thì sinh viên sẽ rất vất vả để tiếp thu khối kiến thức khổng lồ của ngành này. Tính sáng tạo là một yêu cầu thứ 2, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nếu không có sáng tạo thì sinh viên chỉ có làm những việc đơn giản như thu ngân, kiểm kho, ngân quỹ… tính sáng tạo sẽ giúp nâng cao tầm sinh viên để có thể đảm nhiệm những vị trí quan trọng. Cuối cùng là tính năng động, sinh viên ngoài việc nắm vững kiến thức còn phải biết thêm về các kỹ năng mềm, khả năng thuyết trình, giới thiệu sản phẩm, thuyết phục khách hàng… tính năng động sẽ giúp sinh viên thành công trong ngành này.

  1. Nhà trường và Khoa Tài chính ngân hàng có hỗ trợ gì cho sinh viên khi trong việc học hay không?

      Với chương trình đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng, Nhà trường sẽ phân công các giáo viên làm cố vấn học tập cho sinh viên. Đầu mỗi học kỳ, nếu có thắc mắc hay khó khăn gì về việc học, sinh viên có thể liên hệ với các cố vấn học tập để được tư vấn và giúp đỡ đăng ký và lựa chọn môn học.

      Nhà trường có chính sách học bổng cho sinh viên có điểm cao tuyển sinh đầu vào và đạt kết quả tốt trong quá trình học tập.

      Hàng năm nhà trường và khoa KT-TCNH tổ chức ngày hội việc làm hỗ trợ sinh viên tiếp cận trực tiếp với các nhà tuyển dụng trong việc tìm kiếm cơ hội thực tập và các cơ hội việc làm cho sinh viên năm cuối.

  1. Chúng em nên đi làm thêm những công việc nào để nâng cao kĩ năng chuyên môn và có được một công việc tốt sau khi ra trường?

     Đối với sinh viên, việc đi làm thêm là một việc khá quan trọng. Ngoài việc có thêm một nguồn thu nhập, nó sẽ giúp các em có cơ hội được tiếp xúc với môi trường thực tế. Điều này cũng được các nhà tuyển dụng đánh giá cao, bởi những kinh nghiệm mà các em có được khi đi làm thêm.

      Bất cứ ngành nào cũng sẽ đánh giá cao những người có kinh nghiệm, do đó hãy bắt đầu từ những công việc đơn giản để hiểu hơn và tích lũy dần kiến thức.

      Tuy nhiên, các em cũng phải xác định rõ giữa việc làm thêm và việc học. Học là quan trọng, làm thêm là bổ trợ cho việc học. Đừng vì mải làm thêm mà quên đi nhiệm vụ chính của mình.

  1. Ngoài học tập trên lớp và các hoạt động ngoại khóa, SV chúng em có thể tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, hội thảo không?

      Trường và khoa KT-TCNH luôn quan tâm chú trọng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Sinh viên theo học ngành Tài chính ngân hàng luôn được khuyến khích tham gia các công trình nghiên cứu khoa học và các buổi hội thảo chuyên ngành. Sinh viên sẽ được các thầy cô nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu tại trường.

Bài viết khác

Liên kết