CÁC QUY ĐỊNH VÀ THÔNG TIN CẦN THIẾT VỀ CỐ VẤN HỌC TẬP

08-09-2022 Admin
  1. QUY ĐỊNH CHUNG
    • Đăng ký học phần và hủy đăng ký học phần.

Sinh viên phải đăng ký học phần từ Học kỳ 2 của Khóa học. Thời khóa biểu Học kỳ I của sinh viên khóa mới do nhà trường xếp trước. Bắt đầu từ Học kỳ II, sinh viên phải tự đăng ký khối lượng học phần theo kế hoạch của Phòng QL Đào tạo.

Khối lượng học tập tối thiểu

  • 15 tín chỉ cho mỗi học kỳ, trừ học kỳ cuối khóa học, đối với những sinh viên được xếp hạng học lực bình thường;
  • 10 tín chỉ cho mỗi học kỳ, trừ học kỳ cuối khóa học, đối với những sinh viên đang trong thời gian bị xếp hạng học lực yếu.
  • Không quy định khối lượng học tập tối thiểu đối với sinh viên ở học kỳ phụ (học kỳ hè).

Khối lượng học tập tối đa

  • 30 tín chỉ cho mỗi học kỳ, trừ học kỳ cuối khóa học, đối với những sinh viên được xếp hạng học lực bình thường;
  • 15 tín chỉ cho mỗi học kỳ, trừ học kỳ cuối khóa học, đối với những sinh viên đang trong thời gian bị xếp hạng học lực yếu.
  • Không quy định khối lượng học tập tối đa đối với sinh viên ở học kỳ phụ (học kỳ hè).

Hình thức và thời gian đăng ký

  • Hình thức: Đăng ký Online
  • Thời gian: Được thực hiện khi Học kỳ chính kết thúc. Bao gồm 2 khoảng thời gian: Thời gian đăng ký và Thời gian điều chỉnh.

Sau thời gian đăng ký học phần nói trên, sinh viên không được điều chỉnh kết quả đăng ký học phần.

Quy trình đăng ký học phần: thực hiện theo các bước sau

  • Bước 1: Xem chương trình đào tạo trong Sổ tay sinh viên để biết cần đăng ký môn học nào trong học kỳ. Sinh viên cần tham khảo Phần II của sổ tay này trước khi tiến hành đăng ký học phần.
  • Bước 2: Liên hệ Cố vấn học tập để được tư vấn về các học phần phải đăng ký.
  • Bước 3: Vào website của trường (mục “Đăng ký môn học”) để đọc các thông báo trong mục này (đặc biệt là mục “Hướng dẫn đăng ký môn học”).
  • Bước 4: Đăng nhập vào tài khoản của sinh viên và tiến hành đăng ký môn học theo hướng dẫn đã đọc.

Chú ý: Nhấn nút “Lưu đăng ký” sau khi thực hiện xong (thêm hoặc bớt môn học).

  • Bước 5: Kiểm tra kết quả đăng ký bằng cách xem Thời khóa biểu.
  • Bước 6: Hết thời gian đăng ký Online, Trường sẽ công bố kết quả đăng ký chính thức, sinh viên đăng nhập vào tài khoản kiểm tra kết quả đăng ký và in Thời khóa biểu.

Rút bớt, hủy học phần

  • Sinh viên được rút bớt, hủy học phần trong thời gian điều chỉnh đăng ký Online.
  • Sinh viên có thể yêu cầu không hiển thị điểm của HP tự chọn không đạt hoặc có điểm thấp sau khi đã học HP thay thế học phần đó (HP thay thế phải cùng nhóm và cùng HK trong chương trình đào tạo).
  • Đăng ký học lại – học cải thiện điểm
  • Học lại: Đối với các HP bắt buộc, SV học nhưng chưa đạt học phần nào thì phải đăng ký học lại học phần đó bằng cách đăng ký Online. Đối với các HP tự chọn thì SV có thể học lại HP đó hoặc HP tự chọn khác trong danh mục các HP tự chọn của học kỳ có HP không đạt.
  • Học cải thiện điểm: SV đã đạt kết quả HP nhưng muốn học lại HP để cải thiện điểm có thể đăng ký học lại như quy định về học lại nói trên. Kết quả học phần sẽ lấy theo kết quả cao nhất giữa các lần học với cùng một học phần.
  • Đối với các HP ngoài chương trình, SV có thể yêu cầu không thể hiện kết quả học của các HP này trên bảng kết quả học tập.
    • Học vượt
  • Sinh viên cần tham khảo Phần II của sổ tay này và chương trình đào tạo để nắm chi tiết trước khi đăng ký học vượt, chú ý trong việc xem xét các học phần tiên quyết, học phần học trước, học phần học sau.
  • SV đạt các học phần trước đây và có mong muốn học thêm các học phần để rút ngắn thời gian học có thể đăng ký học bổ sung các học phần chưa học trong học kỳ hiện hữu bằng cách đăng ký Online như các học phần theo tiến độ bình thường.
  • Sinh viên có nhu cầu học vượt cần được tư vấn từ Cố vấn học tập.
    • Miễn giảm học phần:
  • Điều kiện miễn giảm: Sinh viên đã học và đạt các học phần có tên học phần, có nội dung tương đương với học phần miễn giảm và có khối lượng học phần bằng hoặc lớn hơn học phần miễn giảm. Trường hợp thường này áp dụng cho sinh viên chuyển trường hoặc đã từng học ở một trường khác, một ngành khác.
  • Sinh viên điền vào mẫu đơn “Đơn chuyển điểm học phần” (có trên website nhà trường) kèm theo bảng điểm có đóng dấu của nơi đã học gửi về Phòng QL Đào tạo (bộ phận quản lý điểm) trước khi học phần bắt đầu được học.
    • Đóng học phí, học bổng

Đóng học phí

  • Sinh viên phải hoàn thành việc đóng học phí trước khi tuần thứ 6 của học kỳ kết thúc hoặc theo thông báo riêng của nhà trường (thông báo trên website và bảng tin của nhà trường).
  • Sau thời gian đóng học phí quy định mà sinh viên chưa hoàn thành học phí, sinh viên sẽ không được thi kết thúc học phần và điểm các học phần đó xem như là 0 điểm.
  • Địa điểm đóng học phí là Phòng Tài chính Kế toán (tại tầng trệt Khu A).
  • Việc miễn giảm học phí: sinh viên liên hệ Phòng Tài chính Kế toán.

Học bổng

  • Học bổng hàng năm của trường được cấp cho sinh viên có học lực khá, giỏi theo từng ngành và từng Khoa.
  • Chế độ học bổng được thông báo tại phòng Công tác Sinh viên Học sinh (tại tầng trệt Khu A).
  • Danh sách sinh viên được nhận học bổng công bố tại bảng tin Phòng Công tác HS-SV hoặc tại bảng tin của Khoa chuyên ngành.
    • Thẻ sinh viên và tài khoản (Network account)
  • Thẻ sinh viên: được sử dụng suốt khóa học cho bất kỳ hoạt động nào của SV trong- ngoài trường và cũng là thẻ ATM do Ngân hàng Công Thương Việt Nam cấp.
  • Tài khoản của sinh viên: SV vào trường được cấp 01 mã số SV kèm theo mật mã cho tài khoản đó (mặc định ban đầu là ngày tháng năm sinh của sinh viên lấy theo 02 số cuối của ngày, tháng, năm). Sinh viên sử dụng tài khoản này cho việc đăng ký môn học, xem điểm, … trên Internet (website của trường).
  • Sinh viên phải bảo quản thẻ sinh viên, bảo quản mật khảu cũng như các vấn đề liên quan đến thẻ; Sinh viên phải tự chịu trách nhiệm đối với thẻ cá nhân.
  • Tất cả vấn đề về tài khoản và thẻ sinh viên, SV cần liên hệ Phòng QL Đào tạo.
    • Xem TKB cá nhân và kết quả học tập.

Xem TKB cá nhân, học phí học kỳ

  • Sinh viên xem TKB cá nhân bằng cách vào website, mục “Đăng ký môn học” và đăng nhập vào tài khoản để xem tại mục “Thời khóa biểu” (xem thêm phần “Hướng dẫn đăng ký môn học” để biết thao tác thực hiện).

Xem kết quả học tập, lịch thi

  • Sinh viên xem kết quả học từ đầu khóa học bằng cách vào website, mục “Đăng ký môn học” và đăng nhập vào tài khoản để xem tại mục “Xem điểm” (xem thêm phần “Hướng dẫn đăng ký môn học” để biết thao tác thực hiện).
    • Nghỉ học tạm thời, bảo lưu kết quả học tập, thôi học

Nghỉ học tạm thời: sinh viên nghỉ học tạm thời trong các trường hợp sau:

  • Nghỉ trong thời gian ngắn (một vài ngày) vì lý do bất khả kháng: phải làm đơn xin phép Giảng viên giảng dạy các học phần và phải được sự chấp thuận của giảng viên.
  • Tạm dừng từ 01 học kỳ trở lên: phải làm thủ tục như bảo lưu kết quả học.

Bảo lưu kết quả: sinh viên thực hiện bảo lưu kết quả học như sau:

  • Điều kiện bảo lưu: tham khảo Phần II (Mục bảo lưu).
  • Điền vào mẫu đơn xin bảo lưu trên website của trường trong tuần đầu tiên của học kỳ (nếu sinh viên xin bảo lưu khi đang học giữa kỳ thì không được hoàn trả học phí).
  • Nộp đơn vào Phòng QL Đào tạo.
  • Phòng QL Đào Tạo có trách nhiệm trình Hiệu Trưởng và trả kết quả cho sinh viên trong vòng 01 tuần.

Bảo lưu kết quả thi tuyển sinh chỉ thực hiện trong trường hợp: Đi nghĩa vụ quân sự, bệnh tật phải điều trị thời gian dài (có giấy xác nhận của bệnh viện), các trường hợp đặc biệt khác.

Thực tập tốt nghiệp: thực tập tốt nghiệp (thực tập cuối khóa) được thực hiện vào học kỳ cuối khóa học (theo TKB). Hình thức thực tập này được thực hiện tại các doanh nghiệp bên ngoài trường với mục tiêu liên hệ giữa lý thuyết và thực tiễn tại các doanh nghiệp.

  • SV được Khoa chuyên ngành liên hệ các Doanh nghiệp cho SV đi thực tập thì SV không cần phải tự làm giấy giới thiệu đi thực tập (Khoa thực hiện việc này).
  • Đối với sinh viên tự liên hệ thực tập thực hiện như sau:
    • Sinh viên điền vào mẫu giấy giới thiệu SV thực tập gửi về Khoa chuyên ngành. Khoa chuyên ngành sẽ hoàn chỉnh giấy giới thiệu kèm theo đề cương thực tập trả lại cho SV.
    • SV dùng hồ sơ thực tập để liên hệ các Doanh nghiệp.
  • Trưởng Khoa chuyên ngành cử Giảng viên hướng dẫn sinh viên trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp.
  • Kết quả đánh giá thực tập tốt nghiệp là điểm đánh giá kết hợp giữa Doanh nghiệp và Khoa chuyên ngành.
  • Thời gian làm thủ tục liên hệ thực tập tốt nghiệp bắt đầu từ tuần đầu của học kỳ cuối khóa và kết thúc trước thời điểm thực tập 01 tuần.
  • Các mẫu “Giấy giới thiệu thực tập” và “Danh sách SV” thực tập có trên website trường.
    • Quy định cấp bảng điểm, bằng tốt nghiệp, chứng nhận tốt nghiệp

 Cấp bảng điểm:

  • Sinh viên có thể xem điểm cá nhân bằng tài khoản của mình trên website trường (trong mục đăng ký môn học)
  • Khi có nhu cầu về bảng điểm có đóng dấu đỏ của trường, Sinh viên liên hệ Phòng QL Đào Tạo để nhận bảng điểm. Thủ tục cấp bảng điểm bao gồm: điền vào mẫu phiếu yêu cầu (tại Phòng QL Đào tạo) gửi vào bộ phận cấp phát bảng điểm.

Phát bằng tốt nghiệp, chứng nhận tốt nghiệp:

  • Điều kiện tốt nghiệp: tham khảo Phần III.
  • SV được công nhận tốt nghiệp có nhu cầu về giấy chứng nhận tốt nghiệp trong thời gian chưa có bằng tốt nghiệp chính thức liên hệ Phòng QL Đào tạo để nhận giấy chứng nhận.
  • Bằng tốt nghiệp được phát tập trung cho cả khóa học vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm trong buổi lễ phát bằng tốt nghiệp (lịch cụ thể ngày lễ phát bằng được thông báo trên Website nhà trường trường cuối tháng 9 hàng năm).
  • Thủ tục phát bằng tốt nghiệp được thông báo khi sinh viên đến trường làm thủ tục nhận bằng tốt nghiệp hoặc tham khảo trên Website.
  • Sau buổi lễ phát bằng tốt nghiệp, các SV chưa nhận bằng sẽ đến nhận bằng tại Phòng QL Đào Tạo.

Cấp phó bản bằng tốt nghiệp (cấp bản sao bằng tốt nghiệp từ hồ sơ gốc):

  • Bản sao bằng tốt nghiệp có hình thức gần giống bản chính của bằng tốt nghiệp.
  • Bản sao bằng tốt nghiệp có giá trị như bản chính bằng tốt nghiệp (đối với trường).
  • Số lượng bản sao cho mỗi sinh viên là không hạn chế, theo yêu cầu của SV.
  • Sinh viên liên hệ Phòng QL Đào tạo để đề nghị cấp bản sao bằng tốt nghiệp.
    • Quy định về phòng học và quy định sử dụng cơ sở vật chất:
  • Sinh viên phải mặc đồng phục và đeo thẻ sinh viên khi học.
  • Không di chuyển bàn ghế, không tự ý sử dụng trang thiết bị trong phòng học khi không có yêu cầu của giảng viên.
  • Sử dụng các trang thiết bị đúng quy định của nơi đặt thiết bị.
  • Không viết, vẽ lên bàn ghế và tường của phòng học.
  • Giữ vệ sinh, không ăn uống trong phòng học.
  • Tại các xưởng, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, thư viện: Sinh viên thực hiện theo quy định hiện hữu.

Các vấn đề liên quan đến phòng học, cơ sở vật chất: liên hệ Phòng Quản trị thiết bị (tầng trệt khu A)

  • Cấp giấy tờ cho sinh viên và các việc liên quan đến sinh viên
  • Giấy chứng nhận là sinh viên (để làm thêm hoặc hoãn nghĩa vụ quân sự): Phòng Công tác Học sinh – Sinh viên
  • Giải quyết chế độ, chính sách cho SV (hồ sơ vay tín dụng, học bổng, …): Phòng Công tác Học sinh – Sinh viên
  • Xem và bổ sung hồ sơ sinh viên: Phòng Công tác Học sinh – Sinh viên
  • Tiếp phụ huynh SV-HS: Phòng Công tác Học sinh – Sinh viên
  • Thời khóa biểu: Phòng QL Đào Tạo
  • Giấy giới thiệu sinh viên đi thực tập: Khoa chuyên ngành.
  • Bảng điểm, bằng tốt nghiệp và chứng chỉ GDTC-GDQP: Phòng QL Đào Tạo.
  • Bảo lưu kết quả học, chuyển trường: Phòng QL Đào Tạo
  • Đăng ký môn học: Phòng QL Đào Tạo
  • Thẻ sinh viên, mã và tài khoản trên mạng của SV: Phòng QL Đào Tạo
  • Thôi học, rút hồ sơ: Phòng QL Đào Tạo
  • Nhận các khiếu nại về đào tạo của sinh viên: Phòng QL Đào Tạo
  • Mượn phòng học để tổ chức hội họp (đơn đã được tổ chức Đoàn, Hội sinh viên phê duyệt trước): Phòng QL Đào Tạo
  • Đóng học phí, xác nhận học phí: Phòng Tài chính-Kế toán
  • Chi trả học bổng: Phòng Tài chính-Kế toán
  • Báo sửa chữa thiết bị phòng học: Phòng Quản trị thiết bị
  • Thông tin việc làm, tham quan doanh nghiệp: Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ việc làm.
  • Đăng ký nghiên cứu khoa học: Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế
  • Thắc mắc về điểm học phần, điểm giữa kỳ: Khoa phụ trách học phần.
  • Thắc mắc về ngành học và nội dung học phần: Khoa chuyên ngành
  • Tư vấn về tất cả vấn đề của khóa học: phòng Cố vấn học tập

Sinh viên liên hệ để giải quyết các vấn đề liên quan trong khóa học theo các mục nói trên. Khi cần giải quyết những vấn đề ngoài danh mục trên, Sinh viên liên hệ Phòng Công tác Học sinh – Sinh viên.

Đối với những vấn đề mà các Phòng, Khoa trong trường giải quyết không thỏa đáng cho SV, SV gặp Phó Hiệu Trưởng để được giải đáp thắc mắc. Sinh viên không tự đến gặp Ban giám hiệu khi chưa liên hệ các Phòng, Khoa cho tất cả các việc liên quan.

Bài viết khác